Trong danh mục Tiêu chuẩn Việt Nam hiện nay, vẫn có một “mảng trống” về hệ thống VLXD theo hướng tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Trong khi yêu cầu phát triển tất yếu luôn hướng về một nền “kiến trúc xanh”, thì chính sách vẫn chưa được khai thông và quan niệm xã hội vẫn còn nhiều điểm bế tắc.
Chỉ riêng một vật liệu kính với câu hỏi: Chọn giá cả hay giá trị đã là câu chuyện gợi rất nhiều điều để suy ngẫm. Sau đây là lược ghi của phóng viên Báo Xây dựng tại Hội thảo “Sử dụng kính an toàn và tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường” do Hiệp hội Kính và Thuỷ tinh Việt Nam vừa tổ chức xung quanh vấn đề này.
Quan niệm của SB khi quyết định tiến công vào các thị trường quốc tế chỉ bằng các dòng sản phẩm cao cấp với các tiêu chuẩn khắt khe về kỹ thuật. Sở dĩ như vậy là vì các nước châu Âu, châu Mỹ vốn dĩ luôn yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật rất ngặt nghèo. Không phải vì họ giàu, mà tất cả đều vì chất lượng cuộc sống, sự tiện lợi tối ưu cho người sử dụng. Mỗi nước có một đặc điểm khí hậu khác nhau, nên có thể có những tiêu chuẩn khác nhau nhưng nguyên tắc cơ bản về tiêu chuẩn kính lại giống nhau. Vì thế ngành kính Việt Nam không nên duy trì mãi tiến trình phát triển với tốc độ và gói gọn tầm nhìn của mình như trước, càng không nên bỏ trống những tiêu chuẩn trong sử dụng kính ở các công trình xây dựng quan trọng. Cũng không nên quá băn khoăn với lực cản về giá cả, bởi chắc chắn một điều, nếu đầu tư xứng đáng thì 10 USD hôm nay có thể biến thành hàng trăm USD trong tương lai. Thị trường kính Việt Nam có điểm khác so với những nước chúng tôi đã qua ở điểm: Doanh nghiệp kính mới chỉ sản xuất những chủng loại mà thị trường đang phổ biến chứ chưa góp phần định hướng tiêu dùng với những tiêu chí tích cực, hiện đại. Trong khi đó ở châu Âu, người tiêu dùng đề ra những tiêu chí thật cao và doanh nghiệp phải đáp ứng những yêu cầu đó. Nó giống như chơi 1 chiếc Ferrari hay Mercedes vậy- người sử dụng luôn hướng tới sự hoàn thiện ở cấp độ cao nhất, cho nên với không ít người có nhu cầu – giá cả không bao giờ là lực cản. Có thể các bạn chưa đồng ý là thị trường Việt Nam chưa ‘rộng rãi’ cho những ý tưởng đó, nhưng không có nghĩa là ta không suy nghĩ và không hướng tới một tương lai sáng lạn hơn cho thị trường kính và ngành công nghiệp kính Việt Nam…
Đại diện Tập đoàn Dupont Glass: “Bỏ ra quá nhiều tiền để đầu tư cho yếu tố an toàn, nên chăng?”
Đôi lúc trong hành trình phát triển của mình, chúng tôi cũng tự hỏi: Có cần phải bỏ ra quá nhiều tiền để đầu tư cho yếu tố an toàn hay không? Thực tế có hai xu hướng, thứ nhất là luôn muốn hướng tới những sản phẩm chất lượng cao, không quan tâm đến giá cả mà chỉ quan tâm đến giá trị sử dụng; xu hướng thứ hai muốn sử dụng những sản phẩm sản xuất bằng nguyên liệu chất lượng trung bình để phù hợp với túi tiền. Không có ai sai cả! Nhưng ngay cả với những ai theo xu hướng thứ hai cũng cần đặt ra những tiêu chí cho sản phẩm mà mình sẽ sử dụng. Tới đây, khí hậu sẽ ngày càng biến đổi khắc nghiệt nên nếu xây dựng quy chuẩn sử dụng kính thì sẽ góp phần bảo vệ an toàn cho các công trình, chính là bảo vệ giá trị của công trình. Chưa kể, việc tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật về kính xây dựng sẽ hướng tới sự tiện lợi trong quá trình vận hành, khai thác công trình, ví dụ: Kính cách nhiệt tốt sẽ bảo đảm tiêu hao ít điện năng, không ứ đọng hơi nước trên bề mặt kính khi sử dụng máy điều hoà làm phá huỷ các tính năng ưu việt của kính..v… Nếu kết hợp kính chất lượng cao, tiết kiệm năng lượng với thiết kế hợp lý, có thể dần dần hướng tới những toà nhà mở, đón các nguồn năng lượng tự nhiên khi có thể.
Đại diện hãng Dow Corning: “Chỉ riêng một tấm kính đắt tiền chưa thể làm nên đẳng cấp”
Dù là hãng chuyên cung cấp các sản phẩm công nghệ cao, chúng tôi thấy vẫn rất cần đưa ra lời cảnh báo cho các bạn trong việc khai thác và ứng dụng các dòng sản phẩm cao cấp. Thực ra thì ở đâu trên thế giới cũng tuân thủ nguyên tắc: Phải biết mục đích và yêu cầu sử dụng của mình, từ đó chỉ định đúng chủng loại, tiêu chí chất lượng để tránh những lãng phí không cần thiết.
Một vấn đề quan trọng khác mà chúng ta cần hết sức lưu ý khi sử dụng sản phẩm kính chất lượng cao, đó là các phụ kiện đi kèm. Bạn nghĩ sao nếu bạn rất chịu chơi khi mua kính cao cấp, nhưng không coi trọng keo dán, phim dán, các thanh profile và những phụ kiện đi kèm? Tôi muốn nói chỉ một tấm kính thì dù đắt tiền cũng không thể gọi là kính cao cấp được. Và ngành công nghiệp kính sẽ không bao giờ phát triển nếu các lĩnh vực sản xuất và gia công đi kèm không đồng bộ./.
Hiện nay Qui chuẩn xây dựng Việt Nam đã dành cả một chương riêng đưa ra qui định đảm bảo sự an toàn của kính đối với tác động va đập và an toàn đóng mở cửa kính. Tuy nhiên, các qui định này chưa đầy đủ về mặt an toàn, cần xem xét bổ sung thêm qui định về tác động môi trường như gió bão, động đất và qui định về lựa chọn chủng loại kính an toàn thích hợp nhằm tránh lạc hậu và lãng phí trong đầu tư xây dựng.